Tham vọng Top 3
Tham vọng không ngừng đổi mới và nâng tiểu vương quốc Dubai lên "vị trí số 1,ơhộinàochodoanhnghiệpViệtNamởảnh anime buồn hoặc chí ít là trong nhóm đứng đầu" thế giới về mọi mặt được Tiểu vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum chính thức công bố hồi đầu năm 2023 với tên gọi Nghị trình Kinh tế Dubai, viết tắt D33. Mục tiêu tổng thể của D33 là trong vòng 10 năm tăng gấp đôi nền kinh tế Dubai, và ở thời điểm 2033, đúng dịp kỷ niệm 200 năm ra đời của tiểu vương quốc, Dubai trở thành 1 trong 3 "trung tâm kinh tế toàn cầu".
D33 xác định rõ vị trí hiện tại của Dubai trên bản đồ kinh tế thế giới ở từng lĩnh vực, đặt ra mục tiêu, vị trí cụ thể phải đạt được ở năm 2033, và kèm theo đó là kế hoạch và 100 dự án cụ thể để thực thi, hỗ trợ cho mỗi mục tiêu. Từ ngày được công bố, D33 trở thành từ cửa miệng của công chúng Dubai và là "kim chỉ nam" trong mọi hoạt động kinh tế và chính trị của tiểu vương quốc này từ cấp độ quốc gia, khu vực cho đến toàn cầu.
Đầu tháng 11.2023, Dubai đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Dubai (DBF), thu hút nhiều khách mời, diễn giả nổi tiếng và hơn 2.000 doanh nhân toàn cầu. Diễn đàn 2 ngày được tổ chức bởi Các phòng Thương mại Dubai (Dubai Chambers), cơ quan nhà nước phụ trách việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển nền kinh tế số của tiểu quốc. Gần 30 bài trình bày và các phiên đối thoại đã thảo luận những vấn đề có tính chất quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế Dubai và toàn cầu, như đầu tư nước ngoài FDI, vai trò doanh nghiệp nhỏ và vừa, ảnh hưởng của công nghệ đối với hoạt động kinh doanh và nguồn nhân lực, chuyển đổi số, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo và toàn cầu hóa.
Trong mục tiêu phát triển kinh doanh toàn cầu của mình, D33 xác định vị trị quan trọng của những khu vực địa lý với các nền kinh tế đang phát triển và đầy tiềm năng như châu Phi, Nam Mỹ và châu Á. Ở khu vực châu Á, Trung Quốc, Ấn Độ, và Đông Nam Á với Indonesia và Việt Nam là những quốc gia mà Dubai đặc biệt quan tâm. Hồi tháng 6 và tháng 7 năm nay, Phòng thương mại Quốc tế Dubai (đơn vị phụ trách thúc đẩy ngoại thương và đầu tư từ nước ngoài của Dubai Chambers) đã mở văn phòng ở Jakarta và TP.HCM, bên cạnh Singapore với tư cách là cửa ngõ Đông Nam Á.
Tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam
Trong cuộc đối thoại với báo chí quốc tế trước ngày khai mạc DBF 2023, trả lời Thanh Niên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dubai Chambers, ông Mohammad Ali Rashed Lootah, khẳng định: "Việt Nam là nền kinh tế rất quan trọng đối với chúng tôi trong khu vực Đông Nam Á. Vì thế hồi tháng 7 năm nay chúng tôi đã mở văn phòng tại TP.HCM để thúc đẩy giao thương và đầu tư giữa hai nước. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng tham dự DBF lần này".
Trong khi đó, ông Hadi Badri, Giám đốc điều hành Cục phát triển kinh tế Dubai (DEDC, trực thuộc Bộ Kinh tế và Du lịch), đơn vị phụ trách việc thực thi D33, đã trình bày trước báo chí quốc tế về nghị trình và 10 lĩnh vực ưu tiên của D33.
Theo đó, một trong các ưu tiên của Dubai là đẩy mạnh ngoại thương, nâng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ mức 14.200 tỉ AED (3.867 tỉ USD) trong 10 năm qua lên mức 25.600 tỉ AED (6.970 tỉ USD) trong 10 năm tới, đồng thời thiết lập Hành lang Kinh tế Dubai 2033 với hơn 400 thành phố trên toàn thế giới trở thành đối tác thương mại then chốt của tiểu vương quốc, biến Dubai thành cửa ngõ giao thương toàn cầu, trung tâm tái xuất hàng hóa của thế giới, đặc biệt là đến các khu vực lân cận như Trung Đông, châu Phi, Nam Á...
Cơ sở tham vọng trở thành cửa ngõ quốc tế của Dubai là một hệ thống hạ tầng đường bộ-đường biển-đường không hiện đại và kết nối dày đặc, hiệu quả, giá cả cạnh tranh. Dubai có 2 sân bay quốc tế với 3.000 chuyến bay mỗi tuần của hãng hàng không quốc gia Emirates đến 70 nước, "phủ sóng" đến 2,5 tỉ người trên hành tinh trong bán kính 4 giờ bay và 5 tỉ người trong bán kính 8 giờ.
Bên cạnh đó, DP World, tập đoàn của Dubai đứng thứ 10 trên thế giới về vận hành cảng container, hiện đang quản lý 78 cảng biển tại 40 quốc gia trên khắp các châu lục. Trong khi đó, cảng nhân tạo lớn nhất thế giới Jebel Ali của Dubai với các khu thương mại phi thuế quan và khu chế xuất dày dặc trong lòng cảng là trung tâm kết nối với hơn 150 cảng biển toàn cầu.
Chưa hết, Dubai cũng sở hữu một hệ thống luật pháp, hệ thống thuế quan và các hiệp định thương mại, hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, hiệp định đầu tư song phương, đa phương… đầy ưu đãi, hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động kinh doanh.
Thanh Niênđã có dịp tiếp xúc với một số đơn vị xuất khấu tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như các doanh nhân Việt đang hoạt động tại Dubai. Tất cả đều nhìn nhận Dubai là một thị trường mới đầy tiềm năng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thực phẩm. Yêu cầu thiết yếu nhất của thị trường Dubai đối với loại sản phẩm này là chứng chỉ Halal, đảm bảo sản phẩm đạt được "sự tinh khiết" theo định nghĩa của người Hồi giáo.
Theo số liệu của Dubai Chambers, năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam vào Dubai đạt 7,37 tỉ USD. Trong đó, hàng điện tử và phụ kiện chiếm 5,15 tỉ USD, giày dép 564 triệu USD, máy móc 375 triệu USD, còn lại là đồ gỗ, quần áo và nông sản. Trong vài năm qua, hàng thực phẩm của Việt Nam đã xuất hiện tại Dubai, hoặc được nhập vào Dubai và tiếp tục đi đến các thị trường lân cận. Cà phê, hạt điều và trái cây chế biến là các sản phẩm mà Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu mạnh vào tiểu quốc này, Tổng giám đốc Dubai Chambers Mohammad Ali Rashed Lootah chia sẻ.
Sắp tới, Hiệp định Thương mại tự do (CEPA) giữa Việt Nam và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đang đàm phán và có triển vọng hoàn tất vào thời gian tới càng mở ra nhiều cơ hội và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Doanh nghiệp tiên phong
Bên lề DBF 2023, Thanh Niêncũng có dịp gặp gỡ và phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc FPT Software (FSoft) khu vực Trung Đông đóng tại Dubai. Theo chia sẻ của cộng đồng doanh nhân Việt tại Dubai, FPT hiện là cái tên Việt Nam nổi bật nhất tại tiểu vương quốc này.
"FPT bắt đầu đến Dubai vào cuối năm 2019 và ngay lập tức bị 'dính' Covid mất 2 năm. Tuy nhiên sau đại dịch, FPT ở đây phát triển khá. Từ 4 người ban đầu, nay văn phòng tại Dubai có 15 người, và 4 người nữa ở Ả Rập Xê Út. Chúng tôi vừa thuê một người nước ngoài làm CEO tại Riyadh để thử nghiệm mô hình quản lý mới bởi người nước ngoài tại thị trường nước ngoài", vị giám đốc 37 tuổi từng "lăn lộn" với FSoft ở Singapore và London chia sẻ.
Ông Tuấn cũng cho biết, công ty ông đã nhận được một số dự án chuyển đổi số cho Dubai, và triển vọng tại thị trường này là khả quan.
Trong khi đó, tại Ả Rập Xê Út – thị trường ông đánh giá có tiềm năng lớn trong những năm tới, lại có câu chuyện khá thú vị: Hồi đầu năm nay, một đoàn quan chức Ả Rập Xê Út thăm Singapore. Trong khi làm việc với một đơn vị phụ trách phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin của đảo quốc sư tử, họ phát hiện một hệ thống thông tin rất hiện đại với giao diện và kết cấu tốt. Hỏi ra thì được phía chủ nhà cho biết FPT Việt Nam là đơn vị phát triển hệ thống này. Trở về Riyadh, đoàn Ả Rập Xê Út đã liên hệ với FPT và đặt hàng sản phẩm tương tự với một số tính năng và giao diện cập nhật hơn.
Quan hệ giữa FPT với các đơn vị nhà nước và giới doanh nghiệp Ả Rập Xê Út từ đó đã và đang phát triển tốt đẹp, mở ra tiềm năng và cơ hội lớn trong các dự án của chính phủ và doanh nghiệp tại Riyadh.
Trở lại với Dubai, Nghị trình Kinh tế D33 là một cơ hội lớn, bởi chuyển đổi số nhằm nâng cao nâng suất của nền kinh tế là một trong 10 lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, "Dubai sẽ nằm trong số 4 trung tâm tài chính toàn cầu với mức thu hút FDI đạt trên 650 tỉ AED (177 tỉ USD) trong vòng một thập niên tới, trong đó chuyển đổi số đóng góp 100 tỉ AED", Nghị trình D33 xác định.
Và đây là cơ hội cho ngành công nghệ thông tin (ITC) của Việt Nam, vốn có trình độ và kỹ năng được nhìn nhận trên thế giới, theo một số chuyên gia. Được biết, vào tháng 1.2024, một đoàn doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có một số công ty ITC lớn, sẽ đến Dubai tìm hiểu cơ hội kinh doanh theo chương trình "Vietnam – Dubai Business Connect 2024" (Kết nối kinh doanh Việt Nam - Dubai 2024) do Phòng thương mại Quốc tế Dubai phối hợp với các bên tổ chức.
"Cạnh tranh với các công ty Ấn Độ ở đây là một thử thách lớn. Chỉ những công ty có thực lực và đủ uy tín mới có khả năng tồn tại ở đây", ông Tuấn nhận định. Ấn Độ vốn có quan hệ kinh tế và giao thoa văn hóa từ nhiều thế kỷ với Dubai nói riêng và vùng Trung Đông nói chung. Theo số liệu của Dubai Chambers, hiện có 90.000 công ty Ấn Độ tại Dubai, dĩ nhiên không thể thiếu các tập đoàn ITC hàng đầu của Ấn Độ.
Trung tâm đổi mới và khởi nghiệp
Theo xếp hạng Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII), Dubai đang đứng đầu thế giới với tư cách một điểm đến mới nổi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-ups). Năm 2021, UAE, mà Dubai là tiểu vương quốc dẫn đầu trên mặt trận kinh tế, đã thu hút 1,2 tỉ USD vốn đầu tư vào start-ups, xếp thứ 2 sau Israel ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Vốn đổ vào các doanh nghiệp khởi nghiệp chiếm 77% tổng vốn mà Dubai thu hút được.
Dubai cũng thiết lập một "khu vực kinh doanh tự do" dành cho doanh nghiệp start-ups. Ở đó, mặt bằng cho thuê với giá rẻ, việc đăng ký, cấp giấy phép dễ dàng và thuận lợi, kèm với những gói dịch vụ và hạ tầng ưu đãi. Phòng thương mại Dubai năm 2021 đã thiết lập Digital Economy Chamber để phụ trách việc phát triển nền kinh tế số và hỗ trợ doanh nghiệp start-ups trong lĩnh vực này.
Một điểm nhấn khác là "Sandbox Dubai", nơi cho phép và cung cấp hạ tầng cho các doanh nghiệp công nghệ để thử nghiệm và thương mại hóa các sản phẩm và công nghệ mới với tốc độ nhanh kỷ lục, nhằm hiện thực hóa tham vọng biến Dubai thành trung tâm nuôi dưỡng sáng tạo và đổi mới.